TỔ HỢP GIÁO DỤC H.A.N | Trang Chủ: Tư Vấn - Đào Tạo HR

Những điểm tích cực và hạn chế của thị trường lao động Việt Nam quý I năm 2024
Ngày đăng: 09/04/2024 Lượt xem: 726

-------------------------------------------

Trong báo cáo “Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế Giới: Xu hướng 2024, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá cao khả năng chống chịu của nền kinh tế thế giới năm 2023 trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều khó khăn thử thách khi áp lực gia tăng lạm phát chưa hạ nhiệt, chi phí lãi vay tăng cao và các căng thẳng về địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp. Tháng 10 năm 2023, các tổ chức quốc tế đồng loạt điều chỉnh mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 tăng so với dự báo ban đầu từ 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm. Những yếu tố này giúp thị trường lao động thế giới năm 2023 phục hồi ổn định với số lao động có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của người lao động gần trở về trạng thái bình thường trước dịch Covid-19 ở tất cả các khu vực trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, trong báo cáo này, ILO cũng khẳng định, sự khởi sắc của nền kinh tế thế giới nói chung và của thị trường lao động còn rất mong manh. Trên thực tế, thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn kéo dài, điều này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường lao động năm 2024, tăng trưởng việc làm được dự báo sẽ chững lại, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ từ mức 5,1% năm 2023 lên 5,2% vào năm 2024.

Trong nước, thị trường lao động Việt Nam có những mặt tích cực và hạn chế. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước. Lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Những điểm tích cực:

 (1) Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2024 là 52,4 triệu người, tăng 175,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19 (lực lượng lao động quý I thường có xu hướng giảm nhẹ so với quý IV năm trước nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước).

 (2) Trong quý I/2024, số lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 174,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam vẫn đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm, đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động, bao gồm cả lao động có việc làm.

 (3) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I/2024 là 27,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang trải qua quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng. Trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa và công nghiệp hóa, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng đặc biệt là rất quan trọng. Do đó, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục đang tăng lên trong cộng đồng lao động Việt Nam. Mở rộng cơ sở giáo dục cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục. Việt Nam đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ sở hạ tầng giáo dục để cung cấp cơ hội học tập cho nhiều người dân hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp tục học tập và nâng cao trình độ sau khi tham gia vào lực lượng lao động.

(4) Thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục được cải thiện, quý I năm 2024 là 7,6 triệu đồng, tăng 301 nghìn đồng so với quý trước và tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ năm trước: Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 12,1 triệu đồng, tăng 15,3%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,1 triệu đồng, tăng 12,7%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 13,1 triệu đồng, tăng 12,7%, tương ứng tăng 1,5 triệu đồng; dịch vụ lưu trú và ăn uống là 7,3 triệu đồng, tăng 9,3%, tương ứng tăng 617 nghìn đồng; vận tải kho bãi là 10,5 triệu đồng, tăng 9,2%, tương ứng tăng 880 nghìn đồng.

(5) Nhờ việc tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, so với quý trước, tình hình thất nghiệp quý I/2024 có cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2024 là 2,24%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3% kể từ quý I năm 2022 (quý I các năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là: 2,88%; 2,66% và 2,64%).

Những điểm hạn chế của thị trường lao động

(1) Về chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.

(2) Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động có việc làm phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn với hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp trong quý I năm 2024 là 33,3 triệu người tăng 240,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do số lao động phi chính thức ở khu vực dịch vụ tăng (tăng 696,3 nghìn người).

Mặc dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I năm 2024 là 64,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Xét theo khu vực, tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 49,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý IV năm 2023 và tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động phi chính thức ở nông thôn là 74,4%, không đổi so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

(3) Trong thời gian nghỉ tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường tăng cường tuyển thêm lao động thời vụ tạm thời hoặc tăng ca để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trước dịp Tết. Tuy nhiên, sau khi kỳ nghỉ kết thúc, số giờ làm và số lao động thường giảm đi. Kết quả là tình hình thiếu việc làm quý I thường cao hơn so với quý trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 khoảng 933,0 nghìn người, tăng 26,4 nghìn người so với quý trước và tăng 47,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 là 2,03%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,09 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 1,20%, thấp hơn khu vực nông thôn (2,58%).

 (4) Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi quý I năm 2024 là 7,99%, tăng 0,37 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,18%, tăng 0,72 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; ở khu vực nông thôn là 6,87%, tăng 0,22 điểm phần trăm.

(5) Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Giai đoạn quý I năm 2020 đến quý II năm 2022, tỷ lệ này ở mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III năm 2021 sau đó giảm dần và duy trì tại mức 4,2%. Tại thời điểm quý I năm 2024, tỷ lệ này là 4,4% (tương ứng hơn 2,3 triệu người).

Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (49,0%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động (31,3%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Hình 1. Cơ cấu tuổi của lực lượng lao động và lao động không sử dụng hết tiềm năng quý I năm 2024 (%)

1. ILO (Tháng 01/2024), “Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế Giới: Xu hướng 2024”. https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/—asia/—ro-bangkok/—ilo hanoi/documents/publication/wcms_910645.pdf,  truy cập ngày 20/3/2024.

2. Lao động có việc làm phi chính thức (bao gồm cả lao động làm việc trong khu vực hộ nông lâm nghiệp và thủy sản) là những người có việc làm và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức (iii) người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (iv) lao động trong khu vực hộ nông nghiệp.

3. Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.

(Theo GSO)


Các bài viết khác

H.A.N mở lớp
24 Apr

H.A.N mở lớp "Chuyên viên Hành chính - Nhân sự thực hành" hỗ trợ cộng đồng tháng 06/2024

H.A.N mở lớp "Chuyên viên Hành chính - Nhân sự thực hành" hỗ trợ cộng đồng tháng 06/2024
H.A.N tham gia Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng
03 Nov

H.A.N tham gia Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng

Workshop Online
23 Jul

Workshop Online "Quản trị Nhân sự và Tài chính hiệu quả giai đoạn hiện nay"

Workshop
07 Jun

Workshop "Kỹ năng chinh phục nhà tuyển dụng chuyên nghiệp" tại Quảng Nam ngày 03/06/2023

Hybrid work – Mô hình làm việc thời đại số
19 May

Hybrid work – Mô hình làm việc thời đại số

Toạ đàm
28 Apr

Toạ đàm "Thị trường việc làm thời kỳ suy thoái"

Khả năng chống chịu bị bào mòn, doanh nghiệp rút khỏi thị trường Đà Nẵng tăng Quý I/2023
04 Apr

Khả năng chống chịu bị bào mòn, doanh nghiệp rút khỏi thị trường Đà Nẵng tăng Quý I/2023

Workshop
10 Feb

Workshop "Ứng dụng công nghệ AI trong công tác tuyển dụng Nhân sự"

Xu hướng trong tuyển dụng Nhân sự thời đại số
07 Feb

Xu hướng trong tuyển dụng Nhân sự thời đại số

Tin mới nhất
Những điểm tích cực và hạn chế của thị trường...
H.A.N mở lớp "Chuyên viên Hành chính - Nhân sự thực...
Những điểm tích cực và hạn chế của thị trường...
H.A.N tham gia Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng
Workshop Online "Quản trị Nhân sự và Tài chính hiệu...
Fanpage
Gọi cho chúng tôi
Chat qua facebook
Hotline tư vấn: 0935484404